Ngoài việc điều trị bằng y học thì việc chăm sóc dinh dưỡng cũng rất cần thiết đối với những bệnh nhân ung thư tuyến giáp để củng cố chức năng tuyến giáp bằng các loại thực phẩm.
Ung thư tuyến giáp (K giáp) là bệnh xảy ra khi có sự phát triển bất thường ác tính của các tế bào tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp được cho là bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, trong đó rối loạn miễn dịch là nguyên nhân hàng đầu. Tiếp đến là các nguyên nhân như nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp, đường tiêu hóa gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân chính. Có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có bố mẹ hoặc người thân mắc bệnh.
Ung thư tuyến giáp thường liên quan đến nhiều yếu tố.
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở độ tuổi 30- 50, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Đây là những nguyên nhân do yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone.
Những người mắc sẵn một bệnh liên quan đến tuyến giáp như mắc bệnh tuyến giáp, bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh Basedow… có nguy cơ cao hơn những người khác. Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống iốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Các yếu tố nguy cơ khác: thiếu iốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì…
2. Các dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp
Dựa vào một số dấu hiệu nhận biết sau, bạn có thể đến ngay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra xem mình có đang bị ung thư tuyến giáp không?
- Xuất hiện u giáp trạng: Có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Vùng cổ xuất hiện hạch: Thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khàn tiếng, có thể khó thở.
- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu. Siêu âm kiểm tra sức khỏe có thể phát hiện u tuyến giáp, đồng thời hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
3. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường không thể điều trị bằng một phương pháp đơn thuần mà phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Lựa chọn phương pháp cần dựa vào: Loại ung thư và giai đoạn của ung thư tuyến giáp; Tác dụng phụ có thể xảy ra; Yêu cầu của bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân; Tình hình sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thường được áp dụng hiện nay:
Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến giáp, cắt bỏ toàn bộ khối u và một phần tuyến giáp, tùy thuộc vào kích thước của khối u, giai đoạn mà chọn: cắt một bên thùy chứa khối u; cắt bỏ gần hết tuyến giáp; cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
Hormone thay thế: Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp sẽ dùng hormone tuyến giáp trọn đời (do bác sĩ nội tiết chỉ định).
Phóng xạ iốt: Thường chỉ định cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp: thể nhú, nang và tế bào hurthle. Hoặc áp dụng cho người bị ung thư tuyến giáp biệt hóa đã di căn hạch, các cơ quan khác.
Xạ trị: Sử dụng tia X có mức năng lượng cao chiếu trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chỉ định: ung thư giai đoạn cuối, ung thư di căn đến các bộ phận quan trọng như khí quản hay thực quản. Xạ trị thường được tiến hành sau phẫu thuật và chỉ tập trung vào một khu vực cụ thể. Không được chỉ định đối với những bệnh nhân trẻ tuổi.
Hóa trị liệu: Sử dụng thuốc để diệt các tế bào ung thư thông qua cơ chế kìm hãm sự phát triển, phân chia của chúng.
4. Chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư tuyến giáp
4.1 Thực phẩm bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ǎn
Rau lá xanh: Các loại rau như cải bó xôi, rau diếp … được khuyến khích cho chế độ ăn của bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Những loại rau này rất giàu magie, khoáng chất giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp.
Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt điều, hạt bí… cung cấp protein thực vật, các chất như magie, kẽm, đồng, vitamin E, và B giúp tuyến giáp hoạt động tốt hơn.
Hải sản: Các loại hải sản chứa nhiều vi chất bổ dưỡng như iốt, kẽm, omega-3… giúp tuyến giáp khỏe mạnh hơn.
Các vitamin: Vitamin B, vitamin A, C và E là các chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp loại bỏ những tổn thương tuyến giáp. Thịt lợn, rau lá xanh, thịt gà, trứng, các loại đậu, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, hạnh nhân, đậu Hà Lan, ngũ cốc nguyên hạt,… rất giàu vitamin B và cần được bổ sung vào chế độ ăn uống để tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh.
Các loại rau thuộc họ cải sẽ cản trở các hoạt động ở tuyến yên.
Kẽm, đồng và sắt: Có trong gan bê, nấm, củ cải, rau mồng tơi… Các vi chất dinh dưỡng này sẽ giúp chức năng tuyến giáp hoạt động tối ưu. Kẽm giúp tăng mức TSH (một hormone kích thích tuyến giáp, được sản xuất bởi tuyến yên trong não). Đồng cần thiết cho việc sản sinh hormone tuyến giáp. Còn sắt lại hỗ trợ hoạt động tuyến giáp diễn ra hiệu quả.
Iốt: Tuyến giáp cần để tổng hợp ra các hormone tuyến giáp, có nhiều trong tảo, rong biển,…
Selen: Khoáng chất này rất cần thiết cho việc sản sinh và điều tiết mức T3 (hormone nội tiết tố có chức năng chịu trách nhiệm chính cho sự phát triển các tác động của nội tiết tố tuyến giáp lên các cơ quan đích khác nhau), có nhiều trong cá ngừ, gan bò, nấm, tôm, cá và các loại hạt.
Omega-3: Giúp tế bào nhạy cảm với hormone tuyến giáp, có nhiều trong dầu cá, cá mòi, cá hồi, thịt bò, cábơn, đậu nành và tôm.
4.2 Thực phẩm bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần tránh hoặc hạn chế tiêu thụ
Các sản phẩm từ đậu nành không lên men: Sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ… có thể giảm khả năng hấp thụ iốt, cản trở khả năng sản xuất các hormone của tuyến giáp.
Các loại rau họ cải: Cải xoăn, cải bắp, củ cải chứa nhiều chất Isothiocyanates, chất này có khả năng cản trở các hoạt động của tuyến yên. Do vậy, khi ăn loại rau này các bạn nên luộc sơ để loại bỏ các chất trên.
Thức ăn chế biến sẵn: Đây là loại thức ăn mà người bệnh về tuyến giáp cần tránh vì có chứa calo rỗng hay chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Chúng còn chứa nhiều chất béo, làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đậu tương, calo rỗng, chất phụ gia, chất bảo quản, chất béo cao,… sẽ giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
Nội tạng động vật: Có rất nhiều acid lipoic có thể làm phá vỡ hoạt động của tuyến giáp, ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp.
Thực phẩm chứa gluten: Protein có trong lúa mì, lúa mạch, bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt, làm các món ăn chay…. Gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp.
Tránh ăn nhiều chất xơ và đường: Chất xơ, đường và các chất tạo ngọt không tốt khi bị suy giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, gây tăng cân, ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp.