Theo ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng BV Trung ương Huế, bệnh nhân COVID-19 nặng nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ bị suy kiệt cơ thể.
Là thành viên đoàn y bác sĩ BV Trung ương Huế đã có mặt chi viện cho Bắc Giang trong hơn 1 tuần qua, ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng, đảm nhận nhiệm vụ chăm lo chế độ dinh dưỡng ăn uống cho tất cả bệnh nhân COVID-19, chế độ bệnh lý và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Huy, với các bệnh nhân COVID-19, nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng. Trong đó, phi công người Anh – BN91 trước đây là điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp, trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này.
ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng, BV Trung ương Huế.
“Thực tế, nếu bệnh nhân nặng chỉ điều trị bằng thuốc, không kết hợp tăng cường dinh dưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài thời gian nằm viện. Do đó, các bệnh viện phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh. Với BN91, do đặc thù của bệnh nhân này liên quan đến phổi nên chế độ khác với các bệnh khác. Chúng tôi luôn tính toán cẩn thận kcal/kg cân nặng bệnh nhân để tính năng lượng cần thiết. Từ đó cung cấp thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là giàu đạm, các loại khoáng chất, vitamin…”, ThS.BS Nguyễn Trung Huy chia sẻ cụ thể.
Với các bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy, lọc m.áu thì ăn uống thông qua sonde – ống thông dạ dày, các y bác sĩ chủ yếu chế biến súp theo chế độ riêng với từng ca bệnh để đảm bảo năng lượng, đảm bảo các yếu tố phục vụ dinh dưỡng. Những Bác sĩ dinh dưỡng không cần trực tiếp giúp bệnh nhân ăn mà chỉ định hướng vòng ngoài, còn vòng trong sẽ do các điều dưỡng phụ trách giúp bệnh nhân ăn đủ dinh dưỡng. Các điều dưỡng cũng phải đảm bảo quy trình vận chuyển thức ăn tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là khu vực các ca bệnh nặng.
ThS.BS Nguyễn Trung Huy cũng cho biết, cái khó của bộ phận dinh dưỡng là vấn đề nhân lực khi Khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang hầu như không có: “Chúng tôi đã chia sẻ tất cả những kiến thức, quy trình nấu súp, nấu cháo, vận chuyển thức ăn… lại cho đội ngũ tại chỗ để trong thời gian tới họ có thể chủ động, sẵn sàng tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân khi tất cả đội chi viện rút đi”.
Tính đến tối 7/6, Trung tâm hồi sức tích cực 101 giường đặt tại BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận 18 bệnh nhân, trong đó, 2 bệnh nhân đặc biệt đang thở máy, được lên chế độ dinh dưỡng súp phù hợp và 16 ca còn lại đang được ăn cháo đủ dinh dưỡng./.
Tập giữ hơi thở giúp phổi khỏe mạnh
Tập giữ hơi thở là một liệu pháp hiệu quả giúp giữ phổi khỏe mạnh và hạn chế các biến chứng tổn thương liên quan đến Covid-19.
Shutterstock
Trang tin One India mới đây dẫn thông tin từ tiến sĩ Arvind Kumar, Chủ tịch Viện Phẫu thuật lồng ngực Ấn Độ, cho biết khi xâm nhập vào cơ thể, SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19) sẽ tác động trực tiếp đến phổi. Do đó, tập giữ hơi thở là một liệu pháp hiệu quả giúp giữ phổi khỏe mạnh và hạn chế các biến chứng tổn thương liên quan đến Covid-19.
Bên cạnh đó, bài tập này cũng có lợi cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ, giúp kiểm soát mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Cụ thể, nếu thời gian nín thở trong lần thực hiện sau giảm rõ rệt so với trước đó, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đang chuyển biến xấu. Ngược lại, nếu bệnh nhân có thể tăng dần thời gian nín thở, thì đó là dấu hiệu tích cực.
Tiến sĩ Arvind Kumar cũng nói rõ mọi người có thể thực hiện bài tập này nhiều lần trong 1 giờ và những người có thể giữ hơi thở từ 25 giây trở lên được coi là hô hấp tốt. Tuy nhiên, cần thận trọng, không làm quá sức để tránh bị kiệt sức. Người đang có vấn đề về hô hấp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Để luyện tập giữ hơi thở, mọi người cần thực hiện theo các bước sau:
– Ngồi thẳng và giữ tay trên đùi.
– Mở miệng và hít vào nhiều không khí nhất có thể để làm đầy lồng ngực.
– Sau đó, mím chặt môi lại và cố gắng nín thở càng lâu càng tốt. Kiểm tra xem thời gian mình có thể nín thở là bao lâu.
– Thở ra bình thường.