Ngày lễ Tết đôi khi không tránh được việc chúc tụng, uống nhiều bia rượu. Khi say rượu, biện pháp đơn giản và quan trọng là uống nhiều nước. Vậy uống nhiều nước có tác dụng gì khi bạn uống rượu?
1. Uống rượu khiến cơ thể bị mất nước
Lạm dụng rượu không chỉ trực tiếp làm tổn thương gan, đường tiêu hóa, gây mất kiểm soát về hành vi, suy nghĩ hay ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể mà còn có thể khiến cơ thể bị mất nước.
Lý do uống rượu làm cơ thể mất nước là vì các chất chuyển hóa từ rượu làm tăng nhu cầu đào thải qua thận, hoặc như bia có tỷ lệ nước nhiều, sẽ dẫn đến tăng lượng nước tiểu.
Uống nhiều rượu khiến cơ thể bài tiết nước tiểu với lượng nhiều hơn, rất dễ rơi vào trạng thái mất nước với các biểu hiện: nôn nao, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, khô miệng, khát nước…
Các biểu hiện này còn có thể do nguyên nhân các chất chuyển hóa từ rượu, nhất là Acetaldehyde, gây ra triệu chứng “say”. Acetaldehyde cũng góp phần lớn trong cảm giác “khát do rượu”.
Việc tăng sản xuất nước tiểu, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy do uống rượu khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Tình trạng mất nước càng nặng thì các biểu hiện nôn nao càng trở nên trầm trọng hơn.
Nghiên cứu cho thấy, mất nước là một yếu tố góp phần gây ra các triệu chứng nôn nao. Do đó, muốn tránh cảm giác nôn nao, cơ thể bạn cần được cung cấp nước. Việc bù nước và các chất điện giải và các loại vitamin rất cần thiết cho việc giải độc rượu.
Cơ thể mất nước khi uống rượu gây nôn nao, chóng mặt, buồn nôn…
2. Người bị say rượu có nên ăn uống?
Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, người bị say rượu thường có biểu hiện: nói líu lưỡi, giọng điệu kéo dài, nói to tiếng, dễ kích động, đứng ngồi không vững, buồn nôn, nôn…
Khi thấy có dấu hiệu trên người nhà nên nhẹ nhàng khuyên nhủ người say dừng uống và nghỉ ngơi. Để người say rượu nằm nghỉ ở tư thế nằm nghiêng để phòng nếu bị nôn sẽ tránh được nguy cơ sặc chất nôn vào phổi.
Không nên để người say nằm ngủ li bì mà không ăn gì, cứ sau vài tiếng lại đánh thức và cho uống hoặc ăn để phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết.
Nếu người say rượu còn tỉnh táo nên ăn nhẹ các món như: cháo loãng, súp, sữa, phở…
Nên cho người say rượu uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể có đủ lượng dịch để thải rượu và chất chuyển hóa của nó qua nước tiểu, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và phòng ngừa mất nước do nôn.
Với người say rượu nặng, có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn… thì không nên cho ăn uống dễ gây sặc chất nôn, thức ăn vào phổi và cần đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách.
7 thực phẩm tốt nhất để ăn khi say rượuĐỌC NGAY
3. Loại nước nào tốt cho người bị say rượu?
Uống đủ lượng nước rất quan trọng để có sức khỏe tốt và có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước khi say rượu. Nước lọc là lựa chọn đơn giản và an toàn nhất đối với hầu hết mọi người.
Nếu không có thời gian chuẩn bị, bạn chỉ cần cho người say uống nhiều nước lọc. Đây là cách giải rượu đơn giản và nhanh chóng nhất. Uống nhiều nước giúp nhanh đào thải chất độc qua đường tiểu và giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, khát nước.
Ngoài nước lọc, người say rượu có thể uống một số loại nước khác như: nước cháo loãng, nước cơm, nước canh, nước mía, nước dừa tươi… giúp cung cấp nước và chất điện giải, giảm buồn nôn và phòng tránh hạ đường huyết khi say.
Đặc biệt, nên cho người say rượu uống oresol pha theo chỉ dẫn. Oresol là dung dịch cân bằng điện giải, rất rẻ tiền, dễ sử dụng, an toàn, giúp bổ sung điện giải – nước rất tốt. Vì người bị say thường nôn, gây mất cân bằng điện giải và kiềm – toan.
Để phòng ngừa mất nước và hạn chế tác hại của rượu, khi uống rượu nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống rượu xen kẽ với nước lọc. Trước khi uống rượu nên uống nhiều nước. Uống ít nhất một đến hai ly nước trước khi đi ngủ sau một ngày uống rượu để ngăn ngừa (hoặc giảm bớt) cảm giác nôn nao vào sáng hôm sau.
Nên tránh các loại đồ uống chứa nhiều đường, caffeine, đồ uống có gas… vì có thể dẫn đến mất nước và kéo dài triệu chứng nôn nao khó chịu.
Uống nước lọc là cách giải rượu đơn giản và nhanh nhất.
ThS. BS. Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên lưu ý, trong quá trình chăm sóc người say rượu, nếu thấy người say rơi vào tình trạng: Giảm ý thức, gọi hỏi không biết; thở khò khè, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở; Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; Vệ sinh không tự chủ; Tê, yếu chân tay, nói ngọng, nhìn mờ; Có dấu hiệu co giật… cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.