Nghiên cứu đã cho thấy, ăn đậu nành có thể làm giảm mức cholesterol LDL – còn được gọi là cholesterol xấu. Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã xem xét các loại đậu nành khác nhau để tìm ra lý do tại sao chúng có thể làm giảm cholesterol?.
1. Mức cholesterol cao có thể gây đau tim, đột quỵ
Cholesterol là một loại chất béo trong máu được cơ thể sản xuất tự nhiên. Nó cũng được tìm thấy trong một số thực phẩm như trứng, nội tạng, động vật có vỏ…
Cơ thể cần một số cholesterol để hoạt động bình thường. Nhưng khi bạn có mức cholesterol cao trong máu nó sẽ đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Khi đó mảng bám tích tụ trong thành động mạch, khiến chúng trở nên hẹp hơn, máu khó lưu thông và lâu dần có thể gây đau tim hoặc đột quỵ.
Có hai loại cholesterol trong máu, đó là:
Cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL): Cholesterol LDL là cholesterol xấu bởi vì nếu có quá nhiều, nó sẽ bị mắc kẹt vào thành động mạch của bạn.
Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL): HDL cholesterol là cholesterol tốt vì nó loại bỏ cholesterol xấu khỏi mạch máu của bạn.
Cholesterol xấu gây xơ vữa động mạch.
2. Lý do ăn đậu nành có thể giúp làm giảm cholesterol xấu
Đậu nành (đậu tương) là loại thực phẩm quen thuộc được chế biến trong các món ăn phổ biến như: sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, tương…
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tác động tích cực của việc ăn đậu nành đối với mức cholesterol của mọi người. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm hiểu cơ chế đằng sau những phát hiện này. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã nghiên cứu đậu nành để xác định lý do tại sao chúng có thể có khả năng giảm cholesterol.
Họ đã xem xét các loại đậu nành khác nhau để tìm ra lý do tại sao chúng có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL). Họ nghi ngờ tác dụng tích cực này có thể là do hai loại protein- glycinin và B-conglycinin.
Các nhà khoa học đã chọn 19 loại đậu nành, mỗi loại chứa hàm lượng glycinin và B-conglycinin khác nhau. Đậu nành xay đã được khử chất béo và nghiên cứu trong các thí nghiệm mô phỏng tiêu hóa đường tiêu hóa.
Trong các thí nghiệm mô phỏng quá trình tiêu hóa thức ăn, bột đậu nành đã khử chất béo được trộn với chất lỏng và enzyme từ quá trình tiêu hóa ở miệng, dạ dày, ruột và ruột kết. Các nhà nghiên cứu đã chạy mô phỏng bằng cách sử dụng các tế bào mỡ. Sau khi chạy từng loại bột đậu nành thông qua quá trình này, các nhà nghiên cứu đã đo mức độ hấp thụ cholesterol LDL.
10 loại thực phẩm giúp cải thiện mức cholesterol và ngừa bệnh timĐỌC NGAY
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Elvira de Meji, Giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Illinois Urbana-Champaign cho biết: “Chúng tôi đã đo một số thông số liên quan đến chuyển hóa cholesterol và lipid cũng như nhiều dấu hiệu khác – protein và enzyme – ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình chuyển hóa lipid”. .
Những phát hiện của nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết của các nhà nghiên cứu – hai loại protein được tìm thấy trong đậu nành, glycinin và B-conglycinin, góp phần vào khả năng giảm cholesterol của đậu nành.
Protein B-conglycinin có khả năng giảm cholesterol đặc biệt tốt. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, peptide được giải phóng từ protein này làm giảm biểu hiện HMGCR, nồng độ cholesterol và chất béo trung tính được este hóa, giải phóng ANGPTL3 và sản xuất MDA trong quá trình oxy hóa LDL.
Một số giống đậu nành ngăn chặn quá trình tổng hợp axit béo cũng như kích hoạt sự hấp thụ LDL vào gan. Về lý thuyết, điều này có thể dẫn đến giảm bệnh gan nhiễm mỡ.
Những kết quả này chỉ ra rằng việc hấp thụ các giống đậu nành được chọn có thể điều chỉnh cân bằng nội môi cholesterol và LDL. Do đó, thúc đẩy việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh lợi ích của bột đậu nành với một loại thuốc dùng để điều trị cholesterol cao. Họ phát hiện ra rằng các peptide từ bột đậu nành có đặc tính giảm lipid tương tự như loại thuốc được so sánh. Peptide của đậu nành được tiêu hóa có thể làm giảm sự tích tụ lipid từ 50% -70%.
Protein trong đậu nành có thể giúp giảm cholesterol xấu.
3. Đậu nành là nguồn cung cấp protein thực vật rất tốt
Theo ThS. BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, đậu nành là một trong số ít các loại hạt có chứa hàm lượng protein tương đương với thịt. Tỷ lệ protein trong đậu nành chiếm khoảng 38%. Đậu nành chứa các loại axit amin thiết yếu, thành phần cấu tạo nên protein mà cơ thể con người không tự tổng hợp được.
Ngoài ra, protein đậu nành không chứa cholesterol (một trong những nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não) và chỉ có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Hai thành phần chính của đậu nành mang lại những lợi ích cho sức khỏe là protein và isoflavone đậu nành. Thực tế, mỗi ly sữa đậu nành chứa khoảng 20mg isoflavones, giúp ức chế sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giảm mức cholesterol cao, một trong những biện pháp đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống. Trong đó chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, ưu tiên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt có thể hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.