Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng việc kiểm soát các triệu chứng của trào ngược axit và là biện pháp đầu tiên được khuyên áp dụng cho những người bị trào ngược dạ dày – thực quản. Đôi khi chỉ cần thực hiện một số thay đổi đơn giản cũng có thể cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh.
1. Người bị trào ngược dạ dày – thực quản nên và không nên làm gì khi ăn uống?
Trên thực tế, có một số loại thực phẩm có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản và có một số loại thực phẩm có xu hướng làm trầm trọng hơn triệu chứng của bệnh.
Vì vậy người bệnh thường được khuyên nên ăn hoặc hạn chế, tránh hoặc thay thế bằng những thực phẩm khác có lợi hơn. Ngoài ra cách ăn uống cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản.
Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược) là tình trạng bệnh lý xảy ra do trào ngược dịch axit từ dạ dày lên trên thực quản và gây ra các triệu chứng: ợ nóng, ợ rát, viêm họng, viêm thanh quản kéo dài.
Bệnh kéo dài có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng như: viêm loét thực quản, chít hẹp thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.
Hình ảnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Trong điều trị trào ngược dạ dày – thực quản, ngoài việc dùng thuốc thì cách ăn uống, sinh hoạt có vai trò đặc biệt quan trọng.
Người bệnh cần lưu ý nên:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá nhiều mỗi bữa.
- Nên ăn chậm, nhai kỹ, nên dành thời gian 20-30 phút cho một bữa ăn.
- Chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, hạn chế sử dụng gia vị mạnh.
- Nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản…
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh để kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
Những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày- thực quảnĐỌC NGAY
Hạn chế hoặc tránh cách ăn uống như sau:
- Hạn chế ăn đồ ăn quá lỏng, không nên uống nhiều nước mỗi lần, mỗi lần chỉ nên uống dưới 200ml.
- Hạn chế ăn các loại quả có múi như: chanh, bưởi, cam… có vị chua, nhiều axit.
- Tránh các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu tinh bột đã chế biến.
- Tránh thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày, thực quản như: cà phê, trà, gia vị mạnh như tiêu, ớt, mù tạt…
- Tránh các kiểu ăn uống tạo ra nhiều khí trong dạ dày như: ăn vội vàng, dùng ống hút khi uống nước, nhai kẹo cao su hoặc uống đồ uống có gas.
- Nên tránh hoàn toàn các loại đồ uống có gas, nước ngọt đóng chai…
- Tránh các tư thế dễ gây trào ngược như: gập người ra phía trước, nằm ngửa sau khi ăn, mặc quần áo quá chật…
- Tránh vận động gắng sức, tập thể thao, chạy sau khi ăn. Chỉ nên ngủ sau khi ăn ít nhất 3 giờ. Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn 30 phút giúp dễ tiêu hóa.
2. Mẹo thay thế trong ăn uống giúp cải thiện trào ngược dạ dày – thực quản
Cách thay thế sau đây có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản:
– Khi chọn các sản phẩm từ sữa: Thay vì sữa nguyên chất béo nên chọn dùng sữa chua, pho mát hoặc kem ít béo hoặc không béo. Ngoài ra, bạn có thể chọn sữa đậu nành, sữa hạnh nhân…
– Thịt: Các bữa ăn nhiều chất béo và đồ chiên rán có xu hướng làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược. Vì vậy, thay vì ăn thịt mỡ, thịt chiên, thịt chế biến sẵn hoặc xúc xích, nên chọn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá, đậu phụ hoặc trứng.
Chọn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da thay vì thịt mỡ.
– Trái cây: Thay vì các loại trái cây có múi như cam, chanh, bưởi, hãy thử bất kỳ loại trái cây không có múi như: chuối, dưa, táo, lê…
– Rau: Có thể ăn nhiều loại rau. Tránh hoặc giảm các loại nước sốt hoặc đồ ăn kèm có nhiều chất béo hoặc các chất gây kích ứng khác như cà chua hoặc hành tây.
– Ngũ cốc: Thay thế ngũ cốc tinh chế bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt như: yến mạch, bánh mì nguyên cám, gạo lứt… Những thực phẩm này là nguồn cung cấp carbs phức hợp tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống.
– Chất béo: Hạn chế hoặc tránh chất béo bão hòa (thường có trong thịt và sữa) và chất béo chuyển hóa (trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh). Thay thế chúng bằng các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh từ thực vật hoặc cá như: các loại dầu như ô liu, vừng, dầu cải, hướng dương, các loại hạt và cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá cơm…
Xem thêm video đang được quan tâm
4 món ăn sáng giúp đốt mỡ toàn thân