Chúng ta đều biết, bữa ăn sáng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, vì nó cung cấp năng lượng cho cả một ngày dài. Bữa sáng có thể đa dạng thực phẩm nhưng đặc biệt bạn không thể bỏ qua chất đạm (protein).
1. Vì sao protein lại quan trọng với cơ thể?
Protein là một trong ba chất dinh dưỡng đa lượng trong chế độ ăn uống, cùng với carbohydrate và chất béo. Mỗi chất đều có vai trò quan trọng riêng, trong đó protein giúp kiểm soát cân nặng và tổng hợp khối lượng cơ bắp.
Nhưng protein không chỉ hỗ trợ cơ bắp mà nó cũng rất cần thiết cho sức khỏe của xương, các cơ quan, mô, da và tóc. Hơn thế, nó còn đóng một vai trò quan trọng đối với cảm giác no, căng thẳng, tâm trạng, giải độc, miễn dịch, sản xuất enzyme, cân bằng pH và chất lỏng cũng như sức khỏe nội tiết tố.
Các chất dẫn truyền thần kinh trong não cũng được tạo ra từ các axit amin, thành phần cơ bản của protein. Đây là lý do tại sao ăn đủ protein là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tâm thần.
Chế độ ăn uống không thể thiếu thực phẩm chứa protein.
Theo BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, protein là thành phần cơ bản cấu tạo nên các tế bào và các mô của cơ thể. Nếu chúng ta không ăn đủ protein sẽ xảy ra quá trình mất cơ, làm cơ teo lại hoặc yếu đi.
Protein cũng là thành phần cấu tạo nên các tế bào miễn dịch và các kháng thể. Thiếu protein sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, dẫn đến lượng kháng thể giảm, làm giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus có hại cho cơ thể. Vì vậy chế độ ăn uống không thể thiếu protein.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không ăn protein vào bữa sáng?
2. 1. Khó kiểm soát lượng đường trong máu
Khi chúng ta chỉ ăn carbohydrate, glucose sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào máu. Kết quả là lượng đường trong máu tăng nhanh và sau đó giảm xuống nhanh dẫn đến cảm giác mệt mỏi, suy nhược hoặc thiếu tập trung.
Nếu chúng ta ăn protein vào bữa sáng có thể giúp ổn định lượng đường trong máu và do đó cải thiện mức năng lượng vì nó làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến liên quan đến carbohydrate trong bữa ăn.
6 tác hại ít ngờ khi bạn thường xuyên bỏ bữa sángĐỌC NGAY
2.2. Bỏ qua protein có thể khiến bạn cảm thấy đói nhanh hơn
Rất nhiều người có thói quen ăn một bát cháo, bát phở, một chiếc bánh mỳ, hoặc đơn giản là một bát ngũ cốc vào bữa sáng và sau đó họ thường cảm thấy đói nhanh hơn. Đó có thể là do bữa ăn đó bị thiếu protein.
Mặc dù protein và carbohydrate giống nhau trên cơ sở tính theo calo (cả hai đều cung cấp 4 calo mỗi gam), nhưng cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân hủy protein so với so với carbs.
Nghiên cứu cho thấy, ăn bữa sáng giàu protein làm chậm đáng kể tốc độ làm trống dạ dày khi so sánh với bữa sáng nhiều carb. Đây chính là lý do tại sao các bữa ăn giàu protein thường giữ cho chúng ta cảm thấy no lâu hơn.
Ăn protein vào bữa sáng giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
2.3. Không ăn protein có thể khiến bạn tăng cân
Ngoài việc giúp ổn định lượng đường trong máu, protein còn ảnh hưởng đến các hormone giúp kiểm soát sự thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no, hoặc cảm giác hài lòng sau bữa ăn.
Ăn thực phẩm giàu protein còn giúp tăng cường trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn và thay đổi một số hormone điều chỉnh cân nặng, điều này rất có lợi khi bạn muốn giảm cân.
Thiếu protein sẽ khiến chúng ta ăn nhiều hơn và cuối cùng dẫn đến tăng cân. Các nhà khoa học của Đại học Sydney (Úc) đã tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm vào bữa ăn thứ 3 trong ngày: những người có tỷ lệ năng lượng từ protein vào đầu ngày cao hơn có tổng năng lượng tiêu thụ trong ngày thấp hơn nhiều.
Trong khi đó, những người tiêu thụ thực phẩm ít protein vào đầu ngày có nhu cầu tiếp tục tăng lượng tiêu thụ, cơ thể họ tìm cách bù đắp bằng mức tiêu thụ năng lượng tổng thể cao hơn và họ tiêu thụ nhiều thực phẩm tùy ý hơn như thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo bão hòa, đường, muối hoặc rượu.
Theo BS Trần Thị Bích Nga, thực phẩm chủ yếu cung cấp protein bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ, các loại hạt… Trong bữa ăn chúng ta nên kết hợp cả protein từ nguồn động vật và thực vật. Protein động vật có đầy đủ axit amin cần thiết còn protein thực vật thường thiếu một hoặc nhiều axit amin cần thiết và tỷ lệ không cân đối. Vì vậy, nên kết hợp hai loại hoặc cần tăng cường bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu protein thực vật (đối với các trường hợp ăn chay). Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu…