Vệ sinh đúng cách rất quan trọng để bạn có hàm răng khỏe mạnh nhưng chế độ ăn uống cũng rất hữu ích, trong đó có rất nhiều loại thực phẩm tốt cho răng của bạn.
1. Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào?
Theo BS. Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, bên cạnh vấn đề vệ sinh kém thì chế độ ăn uống có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Có nhiều loại thực phẩm và đồ uống gây hại đến răng của bạn. Đó là những loại thức ăn ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng hoặc gây mòn lớp men bảo vệ của răng như: đường, carbohydrate tinh chế, thực phẩm có tính axit cao… Vi khuẩn trong miệng, axit và carbohydrate từ thức ăn hoặc đồ uống trộn lẫn với nhau và tạo thành mảng bám trên răng gây sâu răng, răng ê buốt…
Mỗi khi bạn ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có đường, răng của bạn sẽ bị axit tấn công trong vòng một giờ. Điều này là do đường sẽ phản ứng với vi khuẩn trong mảng bám và tạo ra axit có hại. Thực phẩm và đồ uống có tính axit cũng có thể gây hại. Axit ăn mòn hoặc hòa tan men răng, để lộ lớp ngà bên dưới gây ê buốt răng.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều loại thực phẩm tốt cho răng của bạn. Một chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất, trái cây và rau quả tươi có thể giúp răng khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh nướu răng hiệu quả.
Ăn trái cây và rau quả tươi giúp răng khỏe mạnh.
2. Thực phẩm nào tốt cho sức khỏe răng miệng?
2.1. Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể cũng như độ chắc khỏe của răng. Bởi vì chúng có nhiều canxi và axit folic, giúp củng cố men răng và giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng. Trong đó, cải xoăn và rau bina là loại rau lá xanh phổ biến nhất rất dễ ăn và tốt cho sức khỏe răng của bạn.
2.2. Các loại rau củ giòn
Các loại rau giòn như cà rốt và cần tây cũng rất tốt cho răng. Giống như táo, chúng chứa nhiều chất xơ và có thể làm tăng tiết nước bọt trong miệng của bạn. Cả cà rốt và cần tây đều chứa nhiều vitamin A và cần tây cũng là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, tốt cho răng.
Bản thân hành động nhai cũng làm tăng tiết nước bọt trong miệng, điều này cũng có thể giúp loại bỏ vi khuẩn. Cho nên nhai các loại rau củ giòn cũng là một trong những biện pháp hiệu quả.
-
Mẹo ăn uống giúp giảm ê buốt răng
2.3. Táo
Mặc dù trái cây có chứa đường nhưng chúng vẫn là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống. Bởi vì chúng chứa nhiều chất xơ và nước, giúp rửa sạch những mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn.
Bạn hãy thử kết thúc bữa ăn với một quả táo tươi hoặc dùng một quả cho bữa ăn nhẹ vào giữa buổi sáng hoặc buổi chiều, bạn sẽ thấy hiệu quả tức thì.
Ăn táo giúp làm sạch răng.
2.4. Hạnh nhân
Các loại hạt như hạnh nhân cũng là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào và ít đường. Những chất dinh dưỡng này sẽ giúp giữ cho răng của bạn khỏe mạnh.
Bạn có thể dùng một nắm hạnh nhân trong các bữa ăn nhẹ hoặc trộn vào món salad hoặc thậm chí thêm chúng vào bữa ăn chính cũng rất tốt.
2.5. Nước lọc
Mặc dù uống nước có vị nhạt nhẽo và nhàm chán, nhưng nó thực sự là đồ uống tốt nhất cho sức khỏe tổng thể và răng miệng của bạn.
Uống nhiều nước lọc hơn cũng là cách tốt nhất để tránh tất cả những loại đường bổ sung có trong soda, nước trái cây, cà phê có đường… Những loại nước này có thể gây hại cho răng.
2.6. Trà
Một nghiên cứu từ Đại học Illinois ở Chicago đã phát hiện ra rằng những người súc miệng bằng trà đen trong một phút ít nhất 10 lần một ngày ít tích tụ mảng bám trên răng hơn những người chỉ súc miệng bằng nước.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy trà đen giúp trị hôi miệng. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại trà đều giống nhau. Bạn nên chọn trà đen và trà xanh có hợp chất gọi là polyphenol làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng và bệnh nướu răng.
Trà giúp làm sạch răng và ngừa hôi miệng.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, BS. Nguyễn Trung Nghĩa lưu ý: Mọi người cần tạo thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng tốt bằng cách đánh răng đúng cách hoặc dùng chỉ tơ nha khoa.
Đặc biệt, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, cụ thể cần ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu canxi, uống đủ nước. Hạn chế ăn những thực phẩm gây hại men răng, nướu răng và gây sâu răng như thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và axit, nhiều tinh bột chế biến, đồ uống quá nóng hoặc lạnh… Nên khám răng định kỳ phát hiện sớm tổn thương răng để điều trị kịp thời.