Ngày Tết là dịp liên hoan, ăn uống vui vẻ nhưng không phải ai cũng vui trọn vẹn vì nỗi sợ rối loạn tiêu hóa, nhất là đối với những người có bệnh lý dạ dày, hội chứng ruột kích thích. Vậy có cách nào để phòng tránh không?
1. Vì sao nhiều người dễ bị rối loạn tiêu hóa trong ngày Tết?
Trong những ngày Tết, ngoài giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn thì chế độ ăn uống cũng gần như không như được ngày thường vì nhà nào cũng tổ chức liên hoan ăn uống với rất nhiều món.
Các món ăn chủ yếu rất nhiều chất đạm, chất béo bột đường như các loại thịt, các loại bánh, rất ít rau xanh và trái cây tươi…
Theo các chuyên gia tiêu hóa, khi bạn càng nhồi nhét nhiều thức ăn vào dạ dày thì càng gây áp lực lên cơ thắt thực quản dẫn đến trào ngược. Quá nhiều thức ăn cũng có thể làm chậm toàn bộ quá trình tiêu hóa, gây đầy hơi, khó tiêu, đau bụng và táo bón.
Các thực phẩm nhiều đường và chất béo không chỉ làm chậm quá trình tiêu hóa, gây trào ngược ợ nóng mà còn gây tăng cân nhanh chóng. Trọng lượng dư thừa đó có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày.
Chế độ ăn ít chất xơ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn rơi vào tình trạng táo bón nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ tồn tại của các chất độc hại trong cơ thể.
Đặc biệt, đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích, khi ăn uống, sinh hoạt không điều độ, nhất là trong các dịp liên hoan, lễ Tết thì các triệu chứng của bệnh thường trầm trọng hơn.
Nhiều người bị rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Xanh Pôn, hội chứng ruột kích thích còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng. Thông thường, người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá. Ngoài ra, còn có thể có một số triệu chứng khác như đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều… Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống.
Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh thực phẩm gây kích thích, gây rối loạn tiêu hoá, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ… là một trong những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa và cải thiện hội chứng này.
2. Làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết?
2.1. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi
Bên cạnh các thực phẩm truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết, các bà nội trợ nên tăng cường thêm rau xanh và trái cây tươi. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
Rau xanh và trái cây tươi là một phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Ăn nhiều rau quả tươi có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ phòng chống các bệnh mạn tính. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi còn giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, mỗi người nên ăn lượng rau quả là 480g – 560g/ngày (tương đương từ 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g rau quả sống sạch, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt…); trong đó tiêu thụ rau là từ 240 – 320g/ngày và tiêu thụ quả chín là 240g/ngày.
Nên tăng cường rau xanh trong bữa ăn ngày Tết.
2.2. Hạn chế các thức ăn quá nhiều dầu mỡ
Các món ăn nhiều dầu mỡ sẽ khiến bạn bị đầy bụng và rất khó tiêu hóa, gây mệt mỏi suốt nhiều giờ sau khi ăn.
Vì vậy, dù trong ngày Tết chúng ta cũng nên lưu ý hạn chế tối đa các loại thức ăn quá nhiều chất béo, sử dụng nhiều dầu, mỡ, thức ăn chiên đi chiên lại nhiều lần.
2.3. Không nên ăn lại thức ăn đã để lâu trong tủ lạnh
Tết đến phần lớn các gia đình mua và dự trữ rất nhiều thực phẩm. Nhiều người cho rằng việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh là hoàn toàn yên tâm mà không biết rằng với nhiệt độ trong tủ lạnh, vi khuẩn có thể ngừng hoặc giảm hoạt động chứ khó có thể giết chết được vi khuẩn.
Nếu bảo quản thức ăn không đúng cách, trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, để lẫn lộn thức ăn chín và sống, đặc biệt là sử dụng đồ ăn hâm đi hâm lại nhiều lần rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
2.4. Chỉ nên ăn thực phẩm đã được nấu chín
Ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi, hàu sống, cá hồi sống… tuy có thể ngon miệng nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Nấu chín thức ăn giúp thực phẩm dễ tiêu hóa và an toàn nhất.
Các món tái sống luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
2.5. Không lạm dụng các chất kích thích
Việc lạm dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas… trong những ngày Tết gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tái phát hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng ruột kích thích.
Vì vậy, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, mọi người nên hạn chế các loại đồ uống có tính kích thích, chỉ nên uống với lượng vừa phải. Đặc biệt người bị hội chứng ruột kích thích nên tránh các loại đồ uống có gas.
Đồ uống có gas có thể góp phần gây ra các vấn đề về khí đường ruột và đầy hơi. Lượng đường cao trong soda thông thường có thể làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Ngay kể cả soda ăn kiêng cũng không tốt vì hệ tiêu hóa của người bị hội chứng ruột kích thích có thể phản ứng tiêu cực với chất làm ngọt nhân tạo trong các sản phẩm ăn kiêng.
2.6. Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Giờ giấc sinh hoạt trong những ngày Tết thường không được duy trì đúng ngày thường. Nhiều người thường thức khuya, ăn khuya, sáng dậy muộn, bỏ bữa sáng. Việc sinh hoạt và ăn uống vô tội vạ chính là nguyên nhân rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra.
Để phòng tránh, cách tốt nhất là nên cố gắng duy trì lịch sinh hoạt và ăn uống gần như ngày thường để đồng hồ sinh học của cơ thể không bị đảo lộn dẫn đến hoạt động của hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.
Xem thêm video đang được quan tâm
Dùng thuốc điều trị đau bụng do rối loạn tiêu hóa như thế nào