Mặc dù uống một hoặc hai ly rượu trong lúc bình thường có thể chưa có ảnh hưởng rõ rệt nhưng nếu bạn uống rượu khi bụng đói sẽ làm tăng nồng độ cồn trong máu nhanh chóng, gây ra nhiều tác dụng khó chịu và có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm.
1. Rượu được cơ thể hấp thụ như thế nào?
Sau khi uống rượu, chất này sẽ được hấp thụ vào máu từ dạ dày và ruột non. Các enzym trong gan cuối cùng sẽ chuyển hóa rượu.
Cách để rượu hấp thụ vào cơ thể như sau: Khi bạn bắt đầu uống rượu, một tỷ lệ rượu nhỏ sẽ di chuyển vào các mạch máu nhỏ trong miệng và lưỡi. Khi rượu đến dạ dày, tới 20% sẽ được hấp thụ vào máu. Khi rượu đi vào ruột non, khoảng 80% còn lại được hấp thụ vào máu
Dòng máu di chuyển rượu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Rượu tiếp tục di chuyển khắp cơ thể trong máu cho đến khi gan phân hủy hoàn toàn.
Gan lọc máu và phân hủy 80 – 90% lượng cồn bạn uống thành nước, carbon dioxide và năng lượng mà cơ thể có thể xử lý. Gan sử dụng các enzym để phân hủy rượu.
Tuy nhiên, mỗi người đều hấp thụ rượu với một tốc độ khác nhau. Rượu ảnh hưởng đến cơ thể nhanh như thế nào tùy thuộc một số yếu tố như: tuổi tác, giới tính, cân nặng, khả năng hoạt động của gan, lượng rượu uống vào và thời điểm uống rượu…
Uống rượu khi đói làm tăng nồng độ cồn trong máu nhanh hơn.
2. Những rủi ro nếu bạn uống rượu khi đói
Khi bạn uống càng nhiều rượu thì nồng độ cồn trong máu càng cao và gan phải mất rất nhiều thời gian để chuyển hóa. Đặc biệt đồ uống có cồn mạnh hơn có liên quan đến việc nồng độ cồn trong máu của bạn tăng nhanh hơn.
Việc ăn uống cũng đóng một vai trò lớn trong cách cơ thể bạn xử lý chất cồn. Rượu được hấp thụ nhanh nhất bởi ruột non. Thức ăn ngăn không cho rượu nhanh chóng đi vào ruột non. Khi có thức ăn trong dạ dày của bạn trước khi uống, rượu sẽ được hấp thụ chậm hơn.
Do đó, nếu bạn uống rượu khi bụng đói, máu của bạn sẽ hấp thụ rượu nhanh hơn nhiều so với khi có thức ăn. Không có thức ăn trong dạ dày, cơ thể bạn sẽ trải qua quá trình chuyển hóa này nhanh hơn.
Một khi rượu đi qua cơ thể theo cách này, nó có thể làm tăng các tác dụng khó chịu và khiến bạn say nhanh hơn và dễ bị ngộ độc rượu hơn.
Nồng độ cồn trong máu được hấp thụ nhanh chóng sẽ gây ra nhiều tác dụng khó chịu như nôn nao, nhức đầu, nôn mửa, mất kiểm soát suy nghĩ và hành vi, có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm.
5 lợi ích với cơ thể bạn khi bạn ngừng uống rượuĐỌC NGAY
3. Làm gì để giảm thiểu những ảnh hưởng sức khỏe nếu bạn uống rượu lúc đói?
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, trong trường hợp bạn đang uống rượu khi bụng đói và bắt đầu cảm thấy khó chịu, nôn nao, buồn nôn hoặc bắt đầu nôn mửa có thể bạn đã bị say, ngộ độc rượu. Khi đó phải ngừng uống rượu ngay, nên nằm nghỉ và cần sự chăm sóc của người nhà.
Nếu tỉnh táo, có thể ăn thì nên ăn nhẹ các thức ăn lỏng giàu carbohydrate như cháo loãng, súp, phở hoặc bánh quy, bánh mì… để phòng nguy cơ hạ đường huyết.
Khi say rượu nên ăn cháo để giảm tác dụng có hại của rượu.
Uống nhiều rượu khiến cơ thể bài tiết nước tiểu với lượng nhiều hơn cùng với đổ mồ hôi, nôn mửa dễ khiến cơ thể mất nước, làm trầm trọng hơn các triệu chứng nôn nao, khát nước, đau đầu, mệt mỏi…
Vì vậy, khi say rượu, bạn nên uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể có đủ lượng dịch để thải rượu và chất chuyển hóa của nó qua nước tiểu, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và phòng ngừa mất nước do nôn.
Việc ăn các thức ăn lỏng giúp cung cấp carbohydrate và bổ sung nước cho cơ thể. Ngoài ra cần lưu ý, đối với người say rượu thường bị nôn, gây mất cân bằng điện giải và kiềm – toan. Uống dung dịch Oresol sẽ giúp cân bằng điện giải an toàn và hiệu quả.
Trong trường hợp người say rượu có biểu hiện: nôn nhiều, đau bụng, vệ sinh không tự chủ, giảm ý thức, lơ mơ, nhịp thở không đều, tê, yếu chân tay, nói ngọng, nhìn mờ hay co giật… người nhà cần phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.