Đầy bụng, khó tiêu là triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất hay gặp. Đặc biệt, việc ăn uống linh đình, kéo dài trong dịp Tết chính là nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào tình trạng luôn ấm ách bụng, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
1. Ăn uống không đúng cách dễ gây đầy bụng, khó tiêu
Theo các chuyên gia tiêu hóa, ăn uống không đúng cách chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây đầy bụng, khó tiêu. Chủ yếu là do ăn thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi như: ăn quá nhiều tinh bột, nhiều chất béo, thức ăn xào rán, uống nhiều rượu bia, đồ uống có gas….
Đặc biệt, ăn quá no, ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng bữa, vừa ăn xong đã nằm ngay khiến cho hoạt động tiêu hóa bị đình trệ, thực phẩm không tiêu hóa được gây chướng bụng, đầy hơi.
Ăn nhiều thức ăn giàu chất béo và tinh bột trong ngày Tết dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Theo PGS. TS Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, ngày thường ai cũng ăn theo ba bữa sáng, trưa và tối nhưng trong những ngày Tết, việc đi thăm hỏi, chúc tụng nhau sẽ dẫn đến nguy cơ phải ăn uống liên tục. Điều này dễ sinh bụng dạ ấm ách khó tiêu, mệt mỏi.
Việc ăn uống theo khẩu vị, phù hợp với khả năng tiêu hóa và thể chất của từng người cũng hết sức quan trọng. Ăn uống đúng theo khẩu vị hằng ngày tại gia đình sẽ kích thích hệ tiêu hóa tiết ra nhiều loại dịch và men tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.
Nên chọn lựa những thức ăn phù hợp với sức khỏe và thuận lợi cho việc tiêu hóa như các loại thịt trắng; cá tôm; rau xanh; hoa quả tươi hoặc những loại rau củ quả có nhiều chất xơ để tăng nhu động ruột. Tránh ăn nhiều đồ nướng, rán, quay, đồ hộp, chất bột hoặc bánh kẹo quá ngọt rất dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Món ăn, bài thuốc trị đầy bụng, khó tiêu ngày tếtĐỌC NGAY
2. Nên ăn như thế nào để hạn chế chứng đầy bụng, khó tiêu?
2.1. Ăn vừa đủ
PGS. TS Vũ Đức Định cho rằng, ăn sao cho vừa đủ rất quan trọng trong những ngày Tết vì nhiều lý do như: tránh được việc tăng các chất đường, đạm, mỡ, muối không tốt cho sức khỏe; tránh tăng cân và giúp cho việc tiêu hóa tốt, không bị đầy bụng hay mệt mỏi.
Không nên ăn nhiều bữa mà nên ăn tối đa là ba bữa như thường ngày. Mỗi bữa không nên ăn quá no. Ăn vừa đủ sẽ giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải, không gây mệt mỏi, buồn ngủ và bạn có thể tỉnh táo vui chơi và tiếp khách trong suốt những ngày Tết.
2.2. Ăn chậm, nhai kỹ
Việc ăn từ tốn và chậm rãi giúp dạ dày có đủ thời gian để báo hiệu cho não bộ cảm thấy no. Đây cũng là một cách tuyệt vời để giúp bạn hạn chế ăn quá nhiều.
Khi bạn nhai sẽ gửi một tín hiệu đến đường tiêu hóa rằng nó đang tiếp nhận thức ăn và chuẩn bị tốt cho việc tiêu hoá. Do vậy, nếu bạn nhai kỹ thức ăn, bạn sẽ giảm bớt căng thẳng cho dạ dày và phần còn lại của đường tiêu hóa sau đó. Axit dạ dày có thể trộn kỹ hơn với thức ăn và dạ dày có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Nếu bạn nhai không kỹ, các mảnh thức ăn còn quá lớn có thể gây nghẹn và vi khuẩn tự nhiên trong ruột có thể lên men thức ăn không tiêu và sinh sôi. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc táo bón.
Nên ăn chậm, nhai kỹ.
2.3. Sau ăn không nằm ngay
Sau khi ăn, không nên nằm luôn hay vận động, chạy nhảy quá mạnh mà cần nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng để đường ruột co bóp, tiêu hóa thức ăn tốt hơn và giúp khí trong dạ dày thoát ra ngoài dễ dàng.
2.4. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ đặc biệt có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa. Cơ thể chúng ta cần chất xơ để hỗ trợ thúc đẩy quá trình tiêu hoá, giúp tống chất thải ra khỏi cơ thể nhanh hơn và do đó giảm sự tồn tại của các chất độc trong cơ thể.
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt… Tuy nhiên, cần lưu ý nên bổ sung chất xơ từ từ, tránh bổ sung quá nhiều hoặc quá nhanh chất xơ vào chế độ ăn uống có thể có tác dụng ngược lại là gây đầy hơi, chướng bụng. Khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ cần uống nhiều nước để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng.
2.5. Sử dụng một số loại trà giúp giảm đầy bụng
– Trà gừng: Theo nghiên cứu, gừng có thể kích thích nhu động của đường tiêu hóa giúp làm giảm táo bón, đầy hơi và chướng bụng. Khi bị đầy bụng, khó tiêu, bạn có thể uống một tách trà gừng hoặc tự làm nước gừng bằng cách dùng gừng giã nhỏ cho vào nước ấm rồi uống sẽ rất hiệu quả.
– Trà vỏ quýt: Dùng vỏ quýt tươi, cho vào nước rồi đun sôi, thêm chút đường uống cũng có tác dụng cải thiện chứng đầy hơi, chướng bụng.
– Trà bạc hà: Bạc hà có chứa một hợp chất hữu cơ gọi là l-menthol có tác dụng giảm co thắt dạ dày và ruột kết, thư giãn các cơ của đường tiêu hóa và có khả năng làm dịu cơn đau bụng và đầy hơi.
Uống một tách trà bạc hà sau bữa ăn có thể nhanh chóng giúp làm dịu dạ dày và giảm chứng đầy bụng hiệu quả.
Uống trà gừng có thể giúp giảm đầy bụng, khó tiêu.